Cách các quốc gia trên thế giới xử lý thuế tiền điện tử
Thuế tiền điện tử là một chủ đề đang được nhiều quốc gia chấp nhận tiền điện tử trên thế giới vô cùng quan tâm và đang nỗ lực thiết lập các quy định rõ ràng về loại thuế đặc biệt này. Tiêu biểu tại Hoa Kỳ, Anh và Canada là các nước chấp nhận tiền điện tử và việc đóng thuế tiền điện tử là bắt buộc, do đó những công dân nước này khi sở hữu tiền điện tử phải hiểu rõ cách pháp luật thuế của quốc gia mình hoạt động như thế nào. Ngoài ra vẫn còn nhiều quốc gia chưa có thuế tiền điện tử tính đến lúc viết bài như Singapore, Thụy Sĩ, UAE, Hongkong,…
Cách Hoa Kỳ tiếp cận thuế tiền điện tử
Tại Hoa Kỳ, Sở Thuế vụ (IRS) là cơ quan chịu trách nhiệm trong vấn đề thuế tiền điện tử, cơ quan này yêu cầu tất cả doanh số từ việc mua bán hay trao đổi tiền điện tử đều phải khai báo, do ở Hoa Kỳ, tiền điện tử được coi là một loại tài sản. Đồng thời tại Hoa Kỳ, các khoản lỗ được phép bù đắp vào các khoản lãi, giúp cho chủ sở hữu tiền điện tử được giảm tổng nghĩa vụ thuế của mình.
Luật pháp Hoa Kỳ cũng cho phép các khoản lỗ tiền điện tử sẽ không phải kê khai nếu khoản lỗ đó có nguồn gốc từ một loại tiền điện tử đã mất hết giá trị hoặc không còn được niêm yết trên các sàn giao dịch nữa. Bên cạnh đó, nếu các đồng tiền điện tử nằm yên mà giá trị thị trường của chúng tăng thì lãi suất cũng sẽ không bị đánh thuế. Chính phủ Mỹ cũng rất linh hoạt trong việc đánh thuế khi quốc gia này còn cho phép các khoản lỗ tiền điện tử được phép cấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân nếu khoản lỗ đó vượt quá tiền lãi từ việc đầu tư tiền điện tử.
Cách Vương quốc Anh tiếp cận thuế tiền điện tử
Tại Anh, Cơ quan Thuế và Hải quan Hoàng gia (HMRC) là cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề thuế tiền điện tử. Cũng tương tự Hoa Kỳ, ở Anh tiền điện tử được coi là tài sản cho nên mọi giao dịch hay mua bán tiền điện tử đều phải chịu thuế. Tại Anh có quy định mức thuế phải đóng cho mỗi khoản giao dịch tiền điện tử có lãi, tỷ giá thường giao động mức 10% đến 20% tùy vào số tiền lãi.
Trái với Mỹ, thì tại Anh, các khoản lỗ nếu lớn hơn khoản lãi khi đầu tư tiền điện tử trong một năm tài chính sẽ không được cấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân mà sẽ được cấu trừ vào các khoản lãi trong tương lai của người nắm giữ tiền điện tử. Nhiều người đánh giá cơ chế này có khả năng gây ra những tổn thất cũng như lợi nhuận đáng kể trong bối cảnh thị trường tiền điện tử đầy biến động.
Cách Canada tiếp cận thuế tiền điện tử
Tại Canada, Cơ quan doanh thu Canada (CRA) là cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề thuế tiền điện tử. Canada cũng coi tiền điện tử là một loại tài sản, do đó Canada không đánh thuế nếu chỉ nắm giữ tiền điện tử; việc đánh thuế chỉ diễn ra khi bán hoặc đổi lấy một loại tiền điện tử khác. Tại Canada, sẽ rất khó để trốn thuế tiền điện tử do các sàn muốn hoạt động tại quốc gia này phải đồng ý báo cáo các khoản giao dịch có giá trị trên 10,000 USD và cũng phải báo cáo các khoản dưới ngưỡng trên nếu có yêu cầu từ CRA.
Chính phủ Canada cũng cho phép khấu trừ khoản lỗ tiền điện tử như Anh và Mỹ nhưng sẽ có sự khác biệt nhất định. Các khoản lỗ sẽ không được cấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân như ở Mỹ mà sẽ giống Anh, các khoản lỗ sẽ được bù vào các khoản lãi khi đầu tư tiền điện tử trong tương lai nhưng điểm khác biệt chính là sẽ chỉ có 50% khoản lỗ được áp dụng.
Sự xuất hiện của Khung báo cáo tài sản tiền điện tử (CARF)
CARF là một khung pháp lý về thuế tiền điện tử, được G20 ủy quyền cho OECD soạn thảo, quy định về các quy tắc báo cáo thuế tiền điện tử được 47 quốc gia trên thế giới đồng thuận. Trong bối cảnh thị trường tiện điện tử toàn cầu đang vô cùng phát triển, CARF sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia có một công cụ chung để quản lý tính minh bạch của thuế tiền điện tử, hạn chế các hành vi trốn thuế. Việc có được một khung pháp lý chung là rất quan trọng trong bối cảnh tiền điện tử không còn là vấn đề của riêng quốc gia cụ thể nào nữa.
Ngoài Mỹ, Anh, Canada thì còn rất nhiều quốc gia khác cũng đồng thuận khung pháp lý mới này của OECD như Úc, Singapore, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ,…