Newsletter

Tại sao nhiều quốc gia vẫn lo ngại tiền ảo?

Tại sao nhiều quốc gia vẫn lo ngại tiền ảo?

Nhiều quốc gia đã chấp nhận tiền ảo, hay còn được gọi là tiền điện tử, tuy nhiên các quốc gia này chỉ chấp nhận chúng dưới dạng là tài sản kỹ thuật số chứ không chấp nhận chúng như một loại tiền tệ. Ai cũng thừa nhận các công nghệ mới đằng sau loại tiền tệ này sẽ đem lại nhiều lợi ích tiềm năng, tuy nhiên đi kèm sẽ luôn là những rủi ro khó lường cho nền tài chính thế giới, bởi vậy nhiều quốc gia vẫn đang phát triển cách tiếp cận về mặt pháp lý của tiền ảo sao cho phù hợp. Rất có thể tình trạng pháp lý của tiền ảo vẫn sẽ được tiếp tục phát triển trong những năm tới, vậy tại sao các quốc gia chấp nhận tiền ảo chỉ coi chúng là tài sản mà không phải tiền tệ, có thể kể ra bốn nhóm nguyên nhân sau:

Tiền ảo có tác động lớn đến cách chúng ta quản lý tài chính

Mối quan tâm đầu tiên và cũng là lớn nhất chính là tính biến động cực lớn của tiền ảo, giá trị của tiền ảo có thể biến động mạnh, khiến chúng không ổn định để làm phương tiện trao đổi và lưu trữ. Điều này là do tiền ảo không được hỗ trợ bởi bất kỳ ngân hàng trung ương hoặc cơ quan chính phủ nào và việc cung cấp của một số loại tiền ảo thậm chí không bị giới hạn. Ví dụ: giá Bitcoin đã giảm hơn 50% vào năm 2022 và thậm chí một đồng tiền ảo khác có tên Luna đã giảm 99,7% giá trị chỉ sau một tuần, từ 120 đô la xuống còn 10 xu.

Ngoài ra, tiền ảo còn có tác động cực kỳ lớn đến các chính sách tiền tệ, việc áp dụng rộng rãi tiền ảo làm phương tiện thanh toán, trao đổi có thể thách thức khả năng quản lý nguồn cung tiền và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Điều này là bởi tiền ảo không chịu sự kiểm soát tập trung nào giống như tiền pháp định.

Pháp luật về tiền ảo vẫn còn mơ hồ và chưa có tính phổ cập

Do tiền ảo không được quản lý tập trung hoặc được bảo đảm bởi bất kỳ thể chế chính phủ, ngân hàng trung ương hay cơ quan nhà nước nào, hơn nữa không phải tất cả các quốc gia đều có quy định về tiền ảo, điều này dẫn đến việc sẽ không có biện pháp pháp lý nào bảo vệ nào cho người tiêu dùng sử dụng tiền ảo và không có gì đảm bảo rằng tiền ảo có thể được quy đổi thành tiền pháp định theo một tỷ giá cố định. Ngoài ra, việc thiếu các quy định khiến tiền ảo khiến việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tiền ảo trở nên rất khó khăn

Và bởi thiếu sự bảo vệ của pháp luật nên tiền ảo dễ bị khai thác vào các mục đích xấu và các hoạt động phi pháp quá dễ dàng, chẳng hạn như rửa tiền, tài trợ khủng bố hay buôn bán ma túy. Với việc các giao dịch tiền ảo luôn được thực hiện dưới tên giả, khiến mọi người có khả năng thực hiện các giao dịch ẩn danh đồng thời rất khó bị phát hiện.

Công nghệ không hoàn hảo như chúng ta nghĩ

Công nghệ về tiền ảo vẫn còn quá mới và khá phức tạp đối với đại đa số người dùng, tiền ảo dựa trên các mật mã phức tạp, có thể khó hiểu và khó sử dụng. Điều này có thể gây khó khăn cho mọi người trong việc sử dụng tiền ảo một cách an toàn và hiệu quả. Và mặc dù bản thân công nghệ blockchain rất an toàn và khó bị xâm nhập nhưng dù công nghệ có hoàn hảo và tân tiến đến đâu thì vẫn luôn có những kẽ hở để lợi dụng. Tuy hiện tại blockchain có thể có lỗ hổng, nhưng hệ sinh thái tiền điện tử vẫn còn tương đối mới và vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Đa số mọi người vẫn e ngại với tiền ảo

Nhiều người không hiểu cách mà tiền ảo hoạt động và với những người biết thì họ lại coi tiền ảo giống như những khoản đầu tư, chẳng hạn như cổ phiếu hay cổ phần, thay vì coi nó như một công cụ thanh toán thông thường. Điều này có thể khiến phần lớn người dùng ngần ngại trong việc chấp nhận tiền ảo cho dù tiền ảo có mang lại lợi ích lớn đến đâu đi chăng nữa. 

Tổng kết lại, mặc dù những lợi ích tiền ảo hứa hẹn đem lại có thể hấp dẫn nhưng những rủi ro của nó thì vẫn còn quá lớn đối với nền kinh tế thế giới, khiến nhiều quốc gia vẫn còn ngần ngại trong việc chấp nhận tiền ảo. Chắc chắn tiền ảo, tiền điện tử hay bất kỳ loại tiền nào tương tự trong tương lai sẽ có chỗ đứng xứng đáng, nhưng có lẽ sẽ không phải trong một tương lai gần.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *